Trẻ suy dinh dưỡng – Cách nhận biết và điều trị

tre-suy-dinh-duong-cach-nhan-biet-va-dieu-tri-7

Hiện nay, trẻ suy dinh dưỡng tuy rằng không phải tình trạng hiếm gặp, thế nhưng có rất nhiều bà mẹ vẫn không biết nguyên nhân gây ra tình trạng này để bổ sung chất dinh dưỡng cho bé. Để giải đáp nỗi băn khoăn này, các mẹ hãy cùng VinciGroup tìm hiểu nguyên nhân, cách nhận biết và chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng trong bài viết dưới đây.

1. Suy dinh dưỡng trẻ em là gì? Cách tính suy dinh dưỡng trẻ em 

Trẻ suy dinh dưỡng là trẻ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo và một số nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như sắt, kẽm,… Đây là căn bệnh thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi với tỉ lệ 19.6%. Căn bệnh này không chỉ khiến bé bị thấp còi, nhẹ cân mà còn có thể gây thiếu hụt chất dinh dưỡng trầm trọng, thiểu năng trí tuệ và thậm chí là tử vong.

Trẻ suy dinh dưỡng là mối quan tâm của nhiều bà mẹ

Để biết trẻ bị suy dinh dưỡng hay không, các chuyên gia, bác sĩ dựa vào chỉ số BMI, chỉ số này được tính theo công thức sau:

Chỉ số BMI = Cân nặng : (Chiều cao x chiều cao)

Trong đó cân nặng được tính theo kilogam (kg) và chiều cao được quy đổi ra đơn vị mét (m). Dựa vào chỉ số này, các mẹ có thể biết bé nhà mình đang suy dinh dưỡng ở cấp độ nào ngay tại nhà để có những biện pháp phù hợp nhất cho con trong thời điểm hiện tại. Cần lưu ý rằng cách đo chỉ số BMI tại nhà chỉ mang tính chất tương đối, nếu các mẹ nghi ngờ con có những biểu hiện của suy dinh dưỡng cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được kiểm tra.

2. 3 nguyên nhân khiến trẻ em suy dinh dưỡng 

2.1. Người mẹ khi mang thai không đảm bảo dinh dưỡng

Nguyên nhân đầu tiên khiến trẻ suy dinh dưỡng đó chính là không đảm bảo dung nạp đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai của người mẹ. Theo như các chuyên gia đã phân tích, lượng dinh dưỡng từ thực phẩm mà người mẹ hấp thụ trong quá trình mang thai sẽ có tác dụng nuôi bào thai, bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho bé phát triển. Những dưỡng chất này được truyền qua dây rốn, có tác dụng phát triển trí não, tim mạch và toàn bộ hệ cơ xương của bé.

Người mẹ mang thai không đảm bảo dinh dưỡng là nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng

Vì vậy, trong quá trình mang thai, đặc biệt là từ tháng thứ 3 trở đi, các mẹ nên bổ sung đầy đủ nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo và những nguyên tố vi lượng để hạn chế tình trạng bé suy dinh dưỡng sau này. Những chất dinh dưỡng đó có thể được bổ sung bằng những thực phẩm trong thực đơn mỗi ngày hoặc các loại thực phẩm chức năng, viên thuốc bổ,…

2.2. Bé bị suy dinh dưỡng trong thời gian tập ăn dặm

Từ tháng thứ 6 trở đi, có rất nhiều bà mẹ đã tập cho bé ăn dặm bằng các loại thực phẩm đã được xay nhuyễn hoặc chế biến kỹ từ thịt, cá, hải sản,… Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn mà chất dinh dưỡng bé hấp thụ chủ yếu là nguồn sữa mẹ và sữa công thức, nếu các mẹ tập cho bé ăn dặm hoàn toàn và cai sữa sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.

Vấn đề này diễn ra nhiều hơn ở những bé sinh non, sinh thiếu tháng, cơ thể yếu hơn và hệ tiêu hóa cũng chưa phát triển hết. Khi các mẹ cho bé ăn dặm, một số thực phẩm giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé sẽ không có khả năng tiêu hóa và hấp thụ. Việc này có thể dẫn đến bé ăn nhưng vẫn thiếu chất, đi ngoài, thậm chí là dị ứng. 

Có một số lý do dẫn đến các mẹ cai sữa cho con từ khi con mới 6 tháng tuổi và đổi cho bé ăn dặm như công việc, ít thời gian, bé đã mọc răng sữa,… Thế nhưng nếu như cai sữa cho bé, các mẹ phải đổi sang cho bé sử dụng các loại sữa công thức đầy đủ, cho bé tập ăn dặm với tần suất vừa phải cho đến khi bé quen hẳn. Trong sữa có một số dưỡng chất giúp bé phát triển mà những loại thực phẩm các mẹ cho bé ăn hằng ngày không thể đảm bảo cung cấp đầy đủ. Do đó, hãy kết hợp cho bé bú mẹ, uống sữa công thức và ăn dặm để đảm bảo dinh dưỡng cho con.

2.3. Sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ

Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng. Hầu hết các mẹ hiện nay chưa đảm bảo một thực đơn ăn dặm cho bé đầy đủ chất dinh dưỡng từ các nhóm thực phẩm khác nhau mà thay vào đó là chế biến các món ăn theo cảm tính. Có nhiều bà mẹ cho bé ăn ít rau xanh, thịt cá hay hoa quả tươi sẽ làm bé bị thiếu hụt chất xơ, vitamin và khoáng chất. Một số khác lại cho bé ăn quá nhiều dầu mỡ, đường muối khiến bé nhanh chán ăn, ăn ít. 

Sai lầm trong cách nuôi dạy trẻ làm trẻ suy dinh dưỡng

Ngoài những nguyên nhân trên, có một số bà mẹ không linh hoạt trong việc xây dựng thực đơn đa dạng mà chỉ cho bé ăn một số loại thực phẩm nhất định, khiến cơ thể không cân bằng được các nhóm dinh dưỡng và cũng gây nên tình trạng suy dinh dưỡng.

3. Cách nhận biết trẻ suy dinh dưỡng 

Để nhận biết trẻ suy dinh dưỡng cũng không quá khó khăn bởi khi bé gặp phải tình trạng này, cơ thể sẽ có những thay đổi mà các mẹ có thể dễ dàng nhận thấy. Đầu tiên có thể kể đến đó chính là bé phát triển chậm, không đồng đều như bạn bè cùng trang lứa. Thứ hai, các mẹ có thể nhận thấy bé xanh xao, mệt mỏi, hay bỏ bữa, chán ăn. Thứ ba, hệ tiêu hóa của bé gặp vấn đề, bé có thể đi ngoài phân sống, hay đau bụng, đầy hơi. rối loạn tiêu hóa và một số triệu chứng khác.

Mặc dù những triệu chứng kể trên là những triệu chứng điển hình cho thấy trẻ suy dinh dưỡng, tuy nhiên các mẹ cũng cần phải nhìn vào tốc độ phát triển và thể trạng của bé đế đánh giá chính xác hơn. Tốc độ phát triển của bé còn tùy thuộc vào độ tuổi như trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng phát triển tương đối nhanh, qua thời gian này, cơ thể sẽ tăng trưởng chậm hơn. Để đảm bảo sự phát triển toàn diện của con, các mẹ nên theo dõi, quan sát tốc độ tăng trưởng và biểu hiện của bé để đưa bé đến cơ sở y tế kịp thời, tránh để bé bị suy dinh dưỡng trong thời gian dài.

Bé biếng ăn cho thấy bé có dấu hiệu suy dinh dưỡng

4. Trẻ suy dinh dưỡng phải làm sao? 

4.1. Cách chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng

Nếu các mẹ thấy trẻ suy dinh dưỡng, ngoài việc bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho con thì cách chăm sóc cho bé cũng là một điều cần phải quan tâm.

  • Vệ sinh thực phẩm: Cho bé ăn các loại thực phẩm tươi ngon, ăn chín uống sôi, chế biến bằng các dụng cụ nhà bếp hợp vệ sinh. Chú ý không nên mua đồ ăn cho bé ở các quán lề đường, các quán không đảm bảo vệ sinh vì có thể thực phẩm bị nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn và nấm gây ngộ độc.
  • Vệ sinh thân thể: Để tránh mắc các bệnh về đường ruột, răng lợi thì các mẹ nên tắm rửa thật sạch sẽ cho bé mỗi ngày. Bên cạnh đó cần xây dựng cho trẻ thói quen đánh răng mỗi ngày 2 lần, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Khích lệ, động viên bé: Khi trẻ suy dinh dưỡng, cơ thể rất mệt mỏi, yếu ớt. Điều mẹ cần làm lúc này đó chính là luôn tạo cho bé cảm giác thoải mái, vui vẻ, đặc biệt là trong bữa ăn. Các mẹ cần tránh quát mắng, dọa nạt bé khi bé không chịu ăn vì sẽ khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.
Dạy cho bé thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

4.2. Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng

  • Tăng nguồn thực phẩm giàu chất đạm: Khi trẻ suy dinh dưỡng, các mẹ nên bổ sung cho bé những loại thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa. Những thực phẩm chứa nhiều protein không chỉ cung cấp nhiều chất đạm, vitamin cho bé mà còn cung cấp rất nhiều năng lượng, giúp bé hoạt động cả một ngày dài.
  • Tăng các loại chất béo có lợi: Ngoài việc bổ sung protein, bổ sung chất béo cũng là một điều mà các mẹ cần hết sức lưu ý. Năng lượng từ các loại thực phẩm giàu chất béo chế biến trong khẩu phần ăn của bé gấp đôi so với các loại thực phẩm giàu tinh bột. Vì vậy, các mẹ nên bổ sung chất béo cho bé bằng các loại dầu ăn dặm, dầu olive, bơ, phô mai để trẻ hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng.

4.3. Trẻ em suy dinh dưỡng cần bổ sung chất gì?

  • Sắt: Đây là một nguyên tố vi lượng quan trọng, giúp vận chuyển là lưu trữ oxy từ phổi đến các tế bào, chuyển hóa các chất dinh dưỡng và tạo ra hồng cầu. Vì thế các mẹ nên bổ sung sắt khi trẻ suy dinh dưỡng với liều lượng vừa phải qua thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung.
  • Canxi: Bên cạnh sắt, canxi cũng là một nguyên tố vi lượng cần thiết giúp phát triển trí tuệ, thể lực của bé. Nếu thiếu canxi, xương và răng của bé sẽ không cứng cáp, đặc biệt bé mọc răng chậm hơn, khả năng nhai kém hơn dẫn đến suy dinh dưỡng.
  • Iốt: Iốt đóng vai trò phát triển não bổ, tăng trưởng ở trẻ, do đó các mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu iốt trong khẩu phần ăn của bé như hải sản, rong biển,…
  • Kẽm: Kẽm tham gia vào vai trò sản xuất enzyme, tăng sức đề kháng. Do đó trẻ suy dinh dưỡng cần bổ sung xem từ các loại thực phẩm như tôm, cua, thịt bò, phô mai để cải thiện tình trạng này.
  • Vitamin: Vitamin có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa, giúp thực phẩm mà bé ăn được hấp thụ. Nếu các mẹ thấy trẻ suy dinh dưỡng, cần phải bổ sung các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin nhóm A, D, B, C.
Bổ sung các vitamin trong rau củ quả khi trẻ suy dinh dưỡng

5. Cách phòng ngừa suy dinh dưỡng trẻ em 

Để bé không bị suy dinh dưỡng, các mẹ cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này để tìm cách phòng ngừa hiệu quả. Sau đây là 3 cách phòng ngừa trẻ suy dinh dưỡng cơ bản nhất mà các mẹ cần chú ý:

  • Bổ sung dinh dưỡng cho thai sản đầy đủ: Ở thời kỳ thai nghén, các mẹ nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ thực phẩm ăn hằng ngày, hoa quả hoặc các viên thuốc sắt, thuốc kẽm theo đơn kê của bác sĩ.
  • Bổ sung dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn đầu ăn dặm: Trong giai đoạn này, các mẹ nên kết hợp cho con bú và tập ăn dặm để bé có thời gian làm quan với phương pháp ăn dặm. Ngoài ra, các mẹ nên cho bé uống sữa công thức dành cho trẻ theo tháng tuổi để bổ sung những dưỡng chất còn thiếu mà bữa ăn dặm chưa thể đảm bảo.
  • Bổ sung dinh dưỡng sau khi cai sữa: Lúc này các mẹ cần lên thực đơn và tháp dinh dưỡng, cung cấp các loại thực phẩm theo các nhóm dinh dưỡng phù hợp để phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ.
Bổ sung Sắt bằng các loại thuốc theo đơn kê của bác sĩ trong thời kỳ thai sản

Trẻ suy dinh dưỡng có thể sẽ khiến rất nhiều bà mẹ lo lắng, không biết nên làm thế nào để cải thiện tình trạng này. Hi vọng qua những chia sẻ của VinciGroup mang tới, các mẹ đã có cho mình đầy đủ thông tin về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ để phòng tránh, điều trị phù hợp.

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Scroll to Top